Xã Đoàn Tùng nằm ở phía bắc huyện Thanh Miện trải dài theo hướng Bắc- Nam dọc theo quốc lộ 20 (tỉnh lộ 392; 393 ngày nay từ cầu Cốc đến cầu Cuối), nơi dài nhất là 3km, rộng nhất là 2km. Phía Bắc giáp xã Thanh Tùng, phía Nam giáp xã Lam Sơn, phía Đông giáp xã Phạm Kha, còn phía Tây giáp xã Hồng Quang.
Qua kết quả nghiên cứu về địa hình, địa chất vùng đất này được hình thành cách ngày nay hàng vạn năm, nằm ở khu cao của huyện Thanh Miện. Tuy là xã đồng bằng, nhưng độ bằng phẳng không đồng đều; có những cánh đồng cao, song có cả chân vàn và khu ruộng trũng. Về thổ nhưỡng, chất đất ở đây chua, bạc mầu, có độ PH trung bình 4,5 với diện tích tự nhiên 578,22 ha, trong đó đất nông nghiệp 333,25 ha.
Hệ thống giao thông đường bộ: Từ giữa thế kỷ XIX trở về trước xã chỉ có một đường cái quan chạy qua nối với các địa phương trong vùng, còn lại chỉ là đường làng nhỏ hẹp. Khi Pháp xâm lược nước ta, chúng xây dựng đường tỉnh lộ 20 chạy qua phía đông xã. Đây là con đường giao thông chiến lược chạy dọc theo chiều Bắc- Nam. Từ trung tâm xã Đoàn Tùng theo đường 20 khoảng 5km về phía Nam là huyện Thanh Miện; ngược về phía bắc khoảng 12km là thị trấn Kẻ Sặt (huyện Bình Giang), rồi từ đây ra quốc lộ 5 nối với các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh và của cả nước. Ngày nay ngoài đường 20 (tỉnh lộ 392), Đoàn Tùng còn có hàng chục ki-lô-mét đường nhựa bê-tông liên thôn, liên xã rất thuận lợi cho vận chuyển, phát triển sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân địa phương.
Giao thông thủy: xã Đoàn Tùng không có sông lớn, chỉ có 1 con sông nhỏ, gọi là sông Cầu Cốc. Theo Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, sông Cầu Cốc xưa gọi là sông Tùng Giang. Thời kỳ xây dựng hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải sông Cầu Cốc (Tùng Giang) được cải tạo mở rộng, đắp cao thành sông trung thủy nông cùng với hệ thống mương máng nổi, chìm dẫn nước từ sông Cửu An, các trạm bơm điện tưới, tiêu cho đồng ruộng. Ngoài ra, sông Cầu Cốc và ao đầm, sông ngòi khác còn là nguồn thủy sản khá dồi dào của nhân dân địa phương.
Từ vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên kể trên, xã Đoàn Tùng có nhiều thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng nói chung của huyện Thanh Miện nói riêng, tích cực, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương Đoàn Tùng ngày một giàu đẹp, văn minh. Đoàn bộ, chính quyền xã Đoàn Tùng nhiều năm liền được công nhận trong sạch vững mạnh, tập thể lao động xuất sắc. Trường Mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 lần 1 năm 2006, mức độ 1 lần 2 năm 2011, mức độ 2 lần 1 năm 2016, mức độ 2 lần 2 năm 2021; trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2002; mức độ 2 năm 2017; trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2007, được công nhận đạt chuẩn mức độ 1 sau 5 năm 2012, 2018, 2023 và được đánh giá đạt phổ cập giáo dục mức độ 3. Trạm y tế xã được UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu “chuẩn quốc gia về y tế" năm 2003; giai đoạn 2011 – 2020; năm 2023 được công nhận đạt tiêu chí Quốc gia về Y tế xã giai đoạn đến năm 2030; xã Đoàn Tùng được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015; năm 2022 được công nhận là Đô Thị và phấn đấu năm 2023 đạt Nông thôn mới nâng cao.
Đến ngày nay không có tài liệu, văn bia nào ghi chép về quá trình hình thành và phát triển của các làng xã thuộc Đoàn Tùng. Song căn cứ vào những hiện vật cổ, vào truyền thuyết, phong tục tập quán, bước đầu chứng minh một thời mở đầu khai phá, tạo lập lên những làng xóm hôm nay. Căn cứ vào văn bia ở các đình chùa, gia phả của các dòng họ, lời kể của các cụ cao niên trong làng thì cách ngày nay khoảng 1000 năm đã có một số dòng họ đến đây sinh cơ lập nghiệp. Tiếp đó là các dòng họ khác cũng đến đây sinh sống, hình thành lên các làng-xóm. Trước tháng 2-1946 xã Đoàn Tùng còn là 3 làng: Đào Lâm (xa xưa là Đào Tòng Trang, sau Đầu Lâm, rồi Đào Lâm). Phạm Lâm (xa xưa là Tùng Lâm, thông rồi Phạm Lâm) và Thúy Lâm (xưa gọi là Gừng, Thụy Lâm rồi Thúy Lâm), thuộc tổng Đoàn Lâm (Tổng Đoàn Lâm là một trong 9 tổng của huyện Thanh Miện (Đoàn Lâm, Phí Xá, Văn Xá, Phù Nội, Từ Ô, Thọ Trương, La Ngoại, Mi Động và Phú Mễ). Tổng Đoàn Lâm gồm 9 làng: Đào Lâm, Phạm Lâm, Thúy Lâm, La Xá, Đỗ Lâm, Đoàn Lâm, Cầu Lâm, Hàn Lâm và Đạo Phái), huyện Thanh Miền (đến năm 1902 đổi tên là huyện Thanh Miện), phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, có 727 hộ, 3.648 nhân khẩu, dân cư phân bổ không đều.
Sau Cách mạng tháng 8-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định bỏ đơn vị hành chính cấp làng, tổng của chế độ cũ để thành lập các xã mới. Tháng 2-1946, 3 làng: Đào Lâm, Phạm Lâm và Thúy Lâm hợp nhất thành một xã mới, lấy tên là xã Xâm Tùng; các làng: La Xá, Phú Cốc, Đoàn Lâm và Đông Thôn hợp nhất thành xã Đoàn Hồng. Để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ của kháng chiến tháng 8-1948, ủy ban Kháng chiến-Hành chính tỉnh Hải Dương quyết định hợp nhất xã Xâm Tùng và xã Đoàn Hồng thành xã mới lấy tên là xã Đoàn Tùng. Tháng 7 năm 1956 xã Đoàn Tùng lại chia tách thành hai xã: xã Đoàn Tùng gồm ba thôn: Đào Lâm, Phạm Lâm, Thúy Lâm; còn 4 thôn: La Xá, Phú Cốc, Đoàn Lâm, Đông Thôn và ba xóm của thôn Phạm Lâm (Xóm Cầu, xóm Chùa, xóm Chợ gọi chung là xóm Thông) thành một xã lấy tên là xã Thanh Tùng. Năm 1963 Xóm thông (chợ thông) lại cắt về xã Đoàn Tùng và được giữ nguyên đến ngày nay.
Xã Đoàn Tùng có Đình Đào Lâm được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia; Miếu Thông được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh; 2 nhà thờ Xứ đạo Công giáo (giáo xứ Thúy Lâm và giáo xứ Đào Lâm) và 3 chùa phật giáo. Tuy xã Đoàn Tùng có 2 tôn giáo (Phật giáo và Thiên chúa giáo) và nhiều dòng họ hợp thành, song các hình thức sản xuất, văn hóa xã hội, phong tục tập quán cơ bản giống nhau. Ngoài mối quan hệ họ hàng huyết thống, người dân nơi đây còn gắn bó với nhau bởi tình làng, nghĩa xóm, “tối lửa tắt đèn có nhau", tạo ra không khí đầm ấm, tương thân tương ái trong xóm ngoài làng. Đây là những đặc trưng tiêu biểu sáng ngời tính nhân văn của người dân Đoàn Tùng nói riêng, của cả dân tộc ta nói chung. Truyền thống cao đẹp đó lại càng được phát huy cao độ khi có Đảng ra đời lãnh đạo toàn dân đấu tranh để giành độc lập dân tộc.
Chi bộ Đảng đầu tiên tiền thân của Đảng bộ xã Đoàn Tùng ngày nay được thành lập ngày 19 tháng 4 năm 1947 tại gia đình cụ Trần Danh Tu thuộc thôn Phạm Lâm, xã Đoàn Tùng huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.