Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Đoàn Tùng - Huyện Thanh Miện

23/4/2023  |  English  |  中文

GIỚI THIỆU VỀ MIẾU THÔNG - THÔN PHẠM LÂM


Căn cứ vào bản thần tích đã được sưu tầm từ Viện Thông tin khoa học xã họi Việt Nam. Phạm Tùng cổ miếu thuộc tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện nay gọi miếu Thông đã có từ thời xa xưa nằm giữa trung tâm 5 xóm (xóm Chấm, xóm Dão, xóm Cầu, xóm Chùa, xóm Chợ) thuộc thôn Phạm Lâm xã Đoàn Tùng huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương.

Thuyết xưa kể lại rằng: Vào năm Long Thuỵ thứ ba đời Nhà Lý, có một người đánh cá tên là Trương Hà đêm mơ thấy thần báo mộng sẽ có một cây gỗ Trầm hương trên thân gỗ ghi (Tiền Bái Trang – Hậu Phạm Tùng) quả nhiên cây gỗ từ trên mạn ngược theo dòng sông Luộc trôi về  đến làng Bái Bồ Trang, dân trong làng vớt lên cưa nửa trên,  làm lễ tạ rồi mang gỗ lên tạc Tượng lập đền thờ lấy tên là Đền Vua nay thuộc làng Bái Bồ Trang xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Nửa còn lại trôi theo dòng Tùng Giang và dừng lại trước cửa Miếu một con gà trống trắng đứng trên thân cây gỗ vỗ cánh gáy vang, nhân dân ra đón mừng, sắm sửa lễ, mang gỗ lên tạc Tượng lập đền thờ lấy tên hiệu là Nại Tế ngài là Thuỷ thần ( Thánh Hoàng Làng). Từ đó hai làng Bái Trang – Phạm Tùng đều cúng thờ và kết tình huynh đệ, còn Miếu làng có từ đời nào, thời nào thì chưa rõ. Nhưng với kiến trúc và kiểu dáng còn lưu lại đến bây giờ thì Phạm Tùng Cổ Miếu khả năng được xây vào đầu thế kỷ thứ 17

Ghi tích cội nguồn tổ tông

Quê cha đất tổ thôn Thông Phạm Tùng

Miếu thờ ngự trước cửa sông

Ba cung lộng lẫy Giữa, Trong và Ngoài

Ngang sông cầu gỗ lim dài

                                                Được làm theo kiểu Thượng Gia Hạ Kỳ 

Nơi chốn tâm linh cảnh quan tuyệt đẹp. Dòng Tùng Giang uốn lượn soi bóng cây gạo cổ bên đền và in hình luỹ tre làng, cảnh Miếu làng thật linh thiêng và êm đềm tĩnh mịch. Theo hương ước xưa, trong năm có rất nhiều ngày lễ, ngoài tuần rằm mồng một hàng tháng, những ngày lễ chính được quy định: Ngày 26 tháng chạp làm lễ tất niên, đêm 30 làm lễ đón giao thừa mừng xuân, mừng năm mới, mồng Sáu tháng giêng lễ nhập tịch, mồng Chín tháng giêng dân làng mở lễ hội (5 xóm mỗi xóm mổ một lợn rước  lên cửa Thánh, tổ chức rước nước quanh làng, mở các trò chơi dân gian. Đội tế làm lễ dâng hương tế Thánh) ngày hội được dân làng tham dự đông vui và bày tỏ tấm lòng thành kính với Thánh Hoàng Làng cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, mọi người mọi nhà bình an, khoẻ mạnh, làm ăn phát lộc phát tài.

          Với tích xưa và trải qua bao đời, bao triều đại, Miếu đường Phạm Tùng đã được những sắc phong như:

- Năm đầu niên hiệu Thiên tự có sắc phong là: “Huệ Tín Hoàng Ân Tĩnh Hiển Ứng" nghĩa là công ơn rộng lớn, uy tín thầm lặng.

    - Đời nhà Trần âm phù phá giặc Nguyên có sắc phong “Quảng Nghị Anh Vũ" nnghĩa là: Anh hùng rộng mở, thông minh quyết đoán, công lao rộng lớn khắp non sông.

    - Đời  nhà Lê  có Thượng tướng Trần Quang Khải và tướng quân Bùi Văn Khuê đem quân đánh giặc đã từng hành quân qua tạm nghỉ bên đền đã được thần nơi đây báo mộng( quân đi đến đâu đánh thắng tới đó). Khi thắng trận trở về các vị tướng tâu lại với nhà vua. Vua Lê Thái Tôn  ban thưởng 60 quan tiền để làm lễ tạ và ban sắc phong "Dương Vũ Phù Tộ" nghĩa là: Uy vũ đều mạnh mẽ, thắng giặc mọi thời tiết

    Năm Cảnh Thịnh thứ tư có sắc phong" Bỉnh Diệu Linh Thông.

     Năm Tự Đức thứ 33 có sắc phong Linh Phù Chi Thần.

     Năn Đồng Khánh thứ 2 sắc phong là “Dực Bảo Trung Hưng"

     Năm Duy Tân thứ ba cũng có sắc phong Dực Bảo Trung Hưng nghĩa là: Nơi đây  linh thiêng, đây là vật báu phải giữ gìn dân làng mới được an khang thịnh vượng.

     Năm Khải Định thứ 9 sắc phong là :"Chừng Chạm Tôn Thần"nghĩa là Đấng thần linh cao cả, được tôn kính và là nơi thờ phụng của dân làng      

Do loạn lạc chiến tranh kéo dài cùng với nhiều biến cố của lịch sử rất tiếc chúng ta không còn lưu giữ được các sắc phong quý giá đó.

 Một tài liệu đặc biệt quan trọng đó là:  Miếu làng còn lưu giữ được cuốn Thần tích bằng chữ Hán và một quyển Thần tích thần sắc của làng do ông Trương mậu Vênh lúc đó làm Lý trưởng  và ông Trần Văn Giện là đương thứ Phó tổng Đoàn Lâm sao lục ngày 19 tháng 8 năm 1938 tại Bát Cổ Viễn Đông  do Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam cung cấp sách gồm: 44 trang khổ 21 x39cm.

Với những di sản quý giá đó cùng với những nét đẹp văn hoá từ thời xa xưa, nhân dân Phạm Tùng luôn cùng nhau gìn giữ và thành tâm tôn kính.  Chính nơi đây vào những năm 1940 -1950 đã từng là nơi che dấu cán bộ Việt Minh, cơ sở hoạt động của đội Việt Hùng như các cụ: Trương Mậu Tứ, Trần Văn Bường, Trương Mậu Đáng... đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, nhiều tên việt gian, những kẻ phản bội tổ quốc, phản bội nhân dân phải đền tội. Những chiến công thầm lặng của các cụ đã góp phần nhỏ đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ ở miền Bắc nước ta, Phạm Tùng Cổ Miếu là nơi hội họp của nhân dân trong làng bàn việc nước việc dân. Từ nơi đây đã bao lần tiễn chân trai làng lên đường tòng quân đánh giặc. Trong thời kỳ máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc Miếu làng trở thành trường học sơ tán, biết bao thế hệ học sinh đã trưởng thành từ nơi đây, nhiều con em của quê hương Đoàn Tùng, Thanh Tùng, Phạm Kha đã thành đạt. Nhiều người có học vị cao đã giữ các cương vị quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước cũng như trong Quân đội điển hình như ông: Trần Văn Tuấn người con của quê hương đã trưởng thành từ mái trường cổ Miếu này. Từng là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Nam Định, Bộ trưởng Bộ nội vụ...quê hương thật đáng tự hào.

          Kính thưa các đại biểu khách quý, thưa toàn thể nhân dân

Trải qua bao biến cố của lịch sử và mưa nắng của thời gian, Miếu làng đã từng trải qua thời bom đạn nhưng vẫn lưu giữ lại được 2 cung (cung Trong và cung Giữa) một số vật thờ tuy thất thoát, nhưng cũng vẫn còn những cổ vật quý giá như: Bức Đại Tự Ghi: Lý, Triều, Hiển Thánh, Tượng Thánh Hoàng Làng tạc bằng gỗ trầm hương, đôi đỉnh đồng, Bát Biểu, Kiệu Bát Cống cổ. Cung Trong còn 2 câu đối được khắc trên gỗ trầm đó là:

                                             Thiên Ngư Thánh Tích Lan Trầm Thuỷ

                                             Đế Tướng Thành Công Tứ Trọng Kim.

 Hiện vẫn còn đôi câu đối được khắc bằng chữ Hán theo hình chữ Triện chìm trong hai trụ tường đó là:

                                  Vạn Cổ Huân Cao Tích Phát, Bồ Giang Lưu Hiển Thuỵ

Lịch Truyền Phong Tặng,  Danh Truyền Bái Ấp Phụ Ân Vinh

Trước cửa Miếu còn lưu lại ba tấm bia đá được ghi những người thành tâm công đức để xây dựng Miếu đường thời bấy giờ.

          Do chiến tranh loạn lạc nên nhiều năm việc tổ chức lễ thánh gặp khó khăn. Đến năm 1976 mùa xuân Nam Bắc hai miền sum họp. Các cụ và bà con trong làng phục hồi lại lễ hội thế là làng quê lại rộn rã tiếng trống tiếng chiêng. Nét đẹp văn hoá truyền thống của quê hương lại duy trì cho đến ngày nay. Ngày hội mồng Chín tháng giêng đã thu hút đông đảo nhân dân trong làng cùng bà con cô bác xa quê. Khách thập phương về dự dâng hương tế Thánh đông vui thành tâm công đức cùng nhau gìn giữ Miếu làng . Hàng năm đã có nhiều gia đình, cá nhân góp  của, góp công, để trùng tu, tôn tạo Miếu.